Ngành Kỹ thuật xây dựng (Kỹ thuật xây dựng tổng hợp)

1. Giới thiệu ngành đào tạo, thời gian đào tạo, cấp bằng

1.1. Giới thiệu ngành:

Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật xây dựng (Kỹ thuật xây dựng tổng hợp) là một chương trình đào tạo hiện đại được cấu trúc tương tự ngành Civil Engineering của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Chương trình cung cấp các kiến thức cơ bản nền tảng rộng dùng cho các lĩnh vực xây dựng cốt yếu (Dân dụng – Cầu đường – Công trình thủy – Công trình biển…). Sản phẩm đào tạo là những người có tầm hiểu biết rộng, có khả năng làm việc tốt trong lĩnh vực xây dựng; có thể làm việc ở các vị trí thiết kế, thi công các công trình xây dựng và có nhiều cơ hội để làm việc ở những vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp, trong các cơ quan nhà nước. Người học có nhiều lựa chọn để tiếp tục học nâng cao theo các chuyên ngành hẹp để nhận học vị: kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ, …. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng tiếp cận CDIO, là phương thức đào tạo hiện đại đang được áp dụng tại đại học kỹ thuật của các nước tiến tiến như Anh, Mỹ, Singapore, …

1.2. Thời gian đào tạo và cấp bằng:

Người tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư tương đương trình độ bậc 7 theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam với thời gian đào tạo thiết kế là 5 năm.

2. Kiến thức, kỹ năng đạt được sau khi tốt nghiệp

2.1. Trình độ Cử nhân:

– Kiến thức cơ bản, cơ sở nền tảng rộng: về toán học, khoa học tự nhiên, Cơ học, Kiến trúc, Vật liệu xây dựng, kết cấu thép, kết cấu bê tông cốt thép;

– Kiến thức về các lĩnh vực Công trình xây dựng dân dụng, Công trình thủy, Công trình biển, Công trình năng lượng, công trình cầu, công trình hạ tầng, kỹ thuật trắc địa, công trình địa kỹ thuật, …

2.2. Trình độ Kỹ sư – Thạc sĩ:

► Kết cấu công trình xây dựng: Kết cấu công trình dân dụng và công nghiệp, công trình cầu, công trình ngầm và các loại hình kết cấu công trình khác;

► Công nghệ kỹ thuật xây dựng: Công nghệ và tổ chức thi công xây dựng công trình; phân tích kinh tế, quản lý, tổ chức, chỉ đạo thi công và quản lý khai thác các công trình xây dựng;

► Địa kỹ thuật công trình và kỹ thuật địa môi trường: Công trình ngầm, quản lý, xử lý môi trường liên quan đến các công trình ngầm;

► Kỹ thuật Trắc địa và Địa tin học: Công tác kỹ thuật trắc địa và Địa tin học, trắc địa xây dựng, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu địa lý;

► Kỹ thuật công trình năng lượng: Công trình Thủy điện, Nhiệt điện, Điện gió, Năng lượng mặt trời…  ;

► Kỹ thuật cơ sở hạ tầng: Các công trình kỹ thuật hạ tầng giao thông vận tải, kỹ thuật hạ tầng đô thị và nông thôn.

Từ các lĩnh vực kiến thức chuyên sâu đó, sinh viên có đủ năng lực hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai thiết kế và thi công các công trình xây dựng.

– Có kỹ năng cá nhân, nghề nghiệp, giao tiếp, làm việc nhóm, đảm bảo làm việc hiệu quả trong bối cảnh xã hội năng động, môi trường làm việc liên ngành, đa văn hóa, đa quốc gia;

– Có hiểu biết về kinh tế, xã hội và pháp luật phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, có khả năng thực hiện đạo đức nghề nghiệp, học tập suốt đời để đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển bền vững của xã hội và cộng đồng;

– Có khả năng tiếp tục phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật xây dựng.

3. Cơ hội học bổng và hỗ trợ học tập

– Sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng có nhiều cơ hội đạt được các học bổng từ các cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước

– Được các Doanh nghiệp hỗ trợ thực tập và tiếp nhận làm việc nếu quá trình thực tập được đánh giá tốt.

– Được cấp học bổng đi học tập trao đổi sinh viên quốc tế trong quá trình học tập.

– Được xét cấp học bổng học tiếp ở bậc Sau đại học Trường Đại học Xây dựng Hà Nội sau khi tốt nghiệp đại học.

4. Cơ hội việc làm

– Được trang bị kiến thức đa chuyên ngành, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng có nhiều cơ hội việc làm trong các công ty và tổ chức nhà nước liên quan đến xây dựng và đầu tư xây dựng ở các vị trí việc làm như: Kỹ sư thiết kế, kỹ sư tư vấn giám sát, thi công, quản lý dự án và cao hơn nữa;

– Được nhà trường hỗ trợ giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp;

– Lĩnh vực việc làm: Xây dựng dân dụng, công nghiệp, môi trường, kỹ thuật hạ tầng đô thị và nông thôn, hạ tầng giao thông vận tải, công trình thủy, thủy lợi, công trình biển, công trình dầu khí, công trình năng lượng, …

– Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có một hệ thống các đối tác chiến lược là các Công ty tư vấn thiết kế, Công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, môi trường. Với thương hiệu đào tạo của Nhà trường, sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu của các nhà tuyển dụng.

5. Cơ hội học tập bậc Sau Đại học

– Có thể học song bằng, bằng 2 chính quy các ngành/chuyên ngành khác tại Trường hoặc các trường khối kỹ thuật;

– Có thể học sau đại học hầu hết các ngành/chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật xây dựng tại Trường cũng như các trường đại học trong và ngoài nước;

– Nhiều cơ hội đi du học theo chương trình hợp tác đào tạo của Trường. Có thể học tập nâng cao trình độ chuyên môn ở bậc sau đại học trong và ngoài nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *